Chân dung nghệ nhân ẩm thực gia đình Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân
(Vietkings) Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân là một đầu bếp nổi tiếng với những món ăn truyền thống Việt Nam. Cô cũng thường xuyên xuất hiện ở các chương trình dạy nấu ăn gia đình. Tuy nhiên, ít ai biết rằng cái nghiệp đứng bếp vốn không phải do cô chọn từ đầu, mà là sự run rủi của số phận.
Được sinh ra vào năm 1954 tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống Nho học, nên từ bé cô Cẩm Vân đã có ước mơ làm cô giáo. Sau đó, cô tốt nghiệp đại học sư phạm Sài Gòn rồi làm giáo viên môn Văn suốt gần 20 năm. Cho đến khi con trai mắc bệnh, cô phải đưa con qua Úc chữa trị trong một thời gian dài. Và sau khi trở về thì bị mất việc, đây cũng là bước ngoặt đưa cô đến với con đường bếp núc sau này.
Ít ai biết sau nụ cười này vốn từng có rất nhiều cơ cực
Kinh tế sa sút sau khi đưa con đi chữa bệnh, bản thân và chồng cùng bị mất việc vì suy thoái kinh tế, khiến cô Cẩm Vân phải rất vất vả với nhiều công việc bán thời gian khác nhau như: dạy bổ túc, may vá hay làm bánh bông lan. Sau một thời gian dài tìm tòi nghiên cứu với các món ăn, bánh trái cùng sự tỉ mỉ cần cù có sẵn, cô đã xin được một chân dạy nấu ăn ở trung tâm Đào tạo nghề quận Tân Bình. Đây cũng là nơi cô dốc hết tâm trí, để rèn luyện trình độ đứng bếp lẫn khả năng hướng dẫn nấu nướng của mình.
Nghề bếp đến với cô Cẩm Vân như một tiếng gọi của số phận
Vào năm 1993, đài truyền hình cần một giáo viên dẫn chương trình “Khéo tay hay làm” và trung tâm đã giới thiệu cô tham gia. Không ngờ, từ một người chưa bao giờ có kinh nghiệm hướng dẫn trước máy quay, cô Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đã thực sự tỏa sáng và giúp chương trình nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả.
Cô Cẩm Vân trong một tiết mục món chay trên TV
Kể từ đó, cô Cẩm Vân nhận được nhiều lời mời từ các học viện nấu ăn ở khắp nơi, cô đã từng qua Bắc Kinh sống và làm việc 2 năm. Kế đến cô còn trở thành giáo viên thỉnh giảng cho Học viện nấu ăn The Culinary Institute of America tại California. Tuy khả năng hướng dẫn và nấu ăn của cô đã tăng cao nhưng trình độ ngoại ngữ khiến cô khá chật vật khi giảng dạy cho học viên nước ngòai. Vì vậy, cô đã cố gắng rất nhiều trong việc tự học, để có thể tự mình truyền tải sự tinh tế của hương vị lẫn ý nghĩa văn hóa của món ăn Việt Nam.
Món thập cẩm chay do cô thực hiện
Đến nay, cô đã xuất bản được khoảng 40 đầu sách dạy nấu ăn, trong đó có một cuốn bằng tiếng Anh và hàng ngàn giờ dạy nấu ăn trên truyền hình , các trường đại học, trung tâm dạy nghề lẫn nhà hàng trong cả nước. Tuy đã hơn 60 tuổi, nhưng việc quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới, lẫn truyền cảm hứng đứng bếp cho đông đảo mọi người vẫn luôn là điều tâm niệm của cô.
Minh Hằng (JK) - Kyluc.vn