Rượu Mẫu Sơn
Rượu Mẫu Sơn là một loại rượu ngon đặc sản do người Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn, Lạng Sơn làm ra. Rượu được chưng cất thủ công với phương thức cổ truyền hàng ngàn năm từ gạo, từ nước tinh khiết của những con suối chảy trong núi có độ cao hơn 1000m và loại men lá rừng được pha chế từ hơn 30 loại thảo dược quý hiếm. Rượu Mẫu Sơn trong vắt như nước suối, rót ra chén sủi tăm, uống vào không có cảm giác gắt, hay nóng, hương vị thơm nồng, êm dịu, đậm đà đặc trưng của lá và rễ cây. Năm 2002, thương hiệu rượu Mẫu Sơn đoạt giải thưởng Sao vàng đất Việt; được chọn vào top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2021 – 2022).
Các loại thảo dược sau khi hái từ rừng về sẽ được rửa sạch, băm nhỏ và phơi khô, sau đó mang trộn đều chúng lại với nhau, giã nhỏ và đem đun. Đợt nước đầu dùng để nhào bột, nước hai để ngâm gạo.
Gạo sau khi được vo sạch, sẽ ngâm trong khoảng 1 giờ đồng hồ và sau đó mới đem đi nấu cho chín đều. Khi nấu cơm cần canh lửa sao cho cơm chín thơm mà không bị cháy, khê.
Phần cơm chín đều sẽ được trải ra nia, chờ nguội sẽ rắc đều men sau đó cho vào trong vại sành, đậy nắp kỹ và đem đi ủ.
Theo cách nấu rượu Mẫu Sơn, cơm rượu trộn men cần được ủ từ 15 đến 25 ngày để cơm lên men toàn bộ, rượu ủ càng lâu thì sẽ cho chất rượu càng ngon.
Người dân nơi đây chọn cách cất rượu theo kiểu truyền thống, cơm rượu sau khi ủ xong sẽ đem đi chưng cất, quá trình chưng cất kéo dài khoảng 4 giờ liên tục, cần giữ lửa đều và liên tục: Cho toàn bộ cơm rượu vào trong một cái chõ, phía trên miệng chõ có lỗ thủng để dẫn rượu ra ngoài. Ngay phía trên miệng chõ đặt một chảo nước lạnh và trong quá trình chưng cất phải thay nước liên tục để đảm bảo nước trong chảo đủ độ lạnh để ngưng tụ rượu.