Bánh chưng Đất Tổ
Phú Thọ được biết đến với rất nhiều làng nghề bánh Chưng nổi tiếng trong vùng, là nơi phát tích của sản vật bánh Chưng, bánh Giầy gắn với truyền thuyết Lang Liêu dâng vua Hùng chiếc bánh thơm thảo với lòng hiếu kính và biết ơn đã được vua cha (Hùng Vương thứ 6) truyền ngôi báu. Bánh Chưng - hội tụ linh khí của đất trời, là nơi gói ghém cả một chiều dài lịch sử. Có thể coi bánh Chưng như là một di sản ẩm thực mà cha ông ta từ bao đời truyền lại. Chiếc bánh theo dòng thời gian ngày càng trở nên sinh động và đặc biệt qua những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nơi mảnh đất Phú Thọ linh thiêng.
Bánh chưng Đất Tổ - là thương hiệu đặc sản của xã Cát Trù (nay là xã Hùng Việt), huyện Cẩm Khê – tỉnh Phú Thọ. Nơi đây được biết đến là vùng đất có truyền thống lâu đời, các nghệ nhân giàu kinh nghiệm làm ra những chiếc bánh chưng thơm ngon dâng lên Vua Hùng.
Ngoài bánh Chưng nhân đỗ thịt truyền thống, gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Ảnh còn nghiên cứu cho ra đời các loại bánh Chưng chay phục vụ nhu cầu khác nhau của người dân như: Bánh Chưng Đậu đỏ, bánh Chưng Xoài,… Làm từ những nguyên liệu tự nhiên: nước rau ngót, đậu đỏ, đậu lăng, đậu gà, rong phổ tai, hạt nêm nấm, hạt tiêu, dầu thực vật,…
Để làm một chiếc bánh chưng ngon có hình thức đẹp, vuông thành sắc cạnh, màu sắc tươi tắn, gạo rền, thơm hương thì đó là một kỳ công. Gạo nếp phải chọn những loại gạo dẻo, mười hạt như mười, có hương thơm đặc trưng và không lẫn tẻ. Đỗ xanh cần phải là loại hạt nhỏ và được chế biến từ khi vỡ đỗ, ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch, để ráo đến khi đã nấu chín, như vậy nhân bánh mới thơm ngon. Ngoài đỗ, nhân bánh cần có thêm thịt ba chỉ hoặc nạc vai tươi sống trộn kèm gia vị muối, tiêu... vừa đủ tạo điểm nhấn và mùi thơm. Khi gói bánh, phải gói chặt tay thì bánh nấu mới rền, dẻo. Nếu gói lỏng tay bánh sẽ không được vuông vắn và nhão. Bánh gói xong xếp vào một chiếc nồi lớn, nên lót đáy nồi bằng một ít lá nhỏ hoặc cuống lá. Bánh xếp từng cặp một, úp vào nhau, chèn cho chặt, đổ ngập nước và bắt đầu luộc.
Nấu bánh chưng tuy đơn giản, nhưng phải trực để đốt than, pha nước trung bình 1-2 tiếng một lần, đun lửa đỏ hợp lý, đúng quy cách thì chiếc bánh mới có thể chín ngon, thơm bánh, bánh bóc ra có màu xanh, chín đều, bánh rền. Sau khi bánh chín, vớt ra, rửa sạch sau đó xếp 2 chiếc úp vào nhau để lên một chiếc bàn và dùng một tấm ván đặt lên, đặt thêm một số vật nặng để ép cho bánh ráo nước, rền và ngon, có màu tươi xanh hấp dẫn.